Xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay có khá nhiều phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi và trong điều kiện phổ biến chăn nuôi ở nông thôn thì phương pháp xử lý phân, chất thải bằng công nghệ ủ khí sinh học hay gọi tắt là biogas được xem là phù hợp vì chi phí đầu tư vừa phải và tiện dụng, nhất là trong tình hình hiện nay việc xử lý chất thải là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện vệ sinh thú y.
Bên cạnh xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì công nghệ khí sinh học còn tạo ra năng lượng khí đốt tại chỗ đem lại lợi ích rất rõ rệt cho hộ chăn nuôi. Ở góc độ sử dụng nguồn khí tạo ra, nếu trước đây đa phần dùng khí biogas cho đun nấu thì giờ đây có thể thắp đèn sinh hoạt, chạy máy phát điện sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, chạy máy xay xát chế biến thức ăn. Kể cả lò đốt trước đây là bếp tự chế, bếp gang thì hiện nay cũng đã có bếp cải tiến dạng như bếp gas công nghiệp để tăng tính tiện lợi và cả về mặt thẩm mỹ. Điều đáng nói là chi phí chấp nhận được.
Ở góc độ kinh tế thì chính năng lượng khí đốt từ biogas sẽ thay thế cho gas công nghiệp, than, củi,… giúp giảm chi phí trong sinh hoạt gia đình và giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ nông thôn do phải tốn nhiều công sức tìm vật liệu đun nấu.
Bên cạnh đó thì các phụ phẩm khí sinh học như nước xả, các chất cặn bã, ván đã qua xử lý được xem là nguồn phân hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng.
Để có thể chọn lựa, lắp đặt, cũng như vận hành có hiệu quả loại công nghệ, thiết bị xử lý chất thải trong chăn nuôi đạt hiệu quả, thì bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:
Lựa chọn loại công trình, thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi
Trong thực tế thì có khá nhiều công nghệ biogas khác nhau để xử lý chất thải trong chăn nuôi, chi phí đầu tư cho từng loại thì tùy thuộc vào loại và kích cỡ của công nghệ.
Dạng túi nhựa: có chi phí thấp nhất, lắp đặt đơn giản nên phù hợp với điều kiện của đa số bà con chăn nuôi quy mô nhỏ, trung bình.
Đối với hầm xây gạch kiểu KT1 và KT2: được đánh giá là kiểu hầm xây có nhiều ưu điểm nổi trội nhất hiện nay. Hai kiểu hầm này xây bằng gạch thẻ, có cấu trúc dạng hình vòm cầu nên có tính chịu lực cao, bền và đang được khuyến cáo sử dụng rộng rãi từ quy mô chăn nuôi nhỏ đến lớn đều có thể áp dụng do hầm có nhiều kích cỡ khác nhau.
Hầm đúc sẳn bằng chất liệu composite: Gần đây, nhiều nơi đã sử dụng loại bể đúc sẳn bằng composite. Hiện tại, loại hầm composite có nhiều kích cở khác nhau, nhưng phổ biến nhất là 11,5 khối và 13,5 khối phù hợp với quy mô hộ gia đình, trang trại vừa và nhỏ, thậm chí những trang trạng lớn vẫn được. Với các chất liệu chính gồm sợi thủy tinh, sợi các-bon, nhựa,… làm gia tăng tính chịu lực và độ bền của hầm, hầm này có thể sử dụng từ chục đến hàng trăm năm.
Dạng chất liệu nhựa tổng hợp, nhựa chất lượng cao HDPE: sử dụng loại nhựa chất lượng cao là màng chống thấm HDPE dạng phủ lên bề mặt để xử lý phân, chất thải ở những trang trại nuôi quy mô lớn cũng được ứng dụng.
Lưu ý khi xây hầm hay lắp đặt túi ủ xử lý chất thải chăn nuôi
Về kích cỡ: tùy theo quy mô chăn nuôi, bà con cần tính toán lượng phân vật nuôi thải ra hàng ngày để lắp đặt túi ủ hoặc xây hầm ủ có kích thước phù hợp nhằm xử lý triệt để lượng phân thải ra. Trung bình 1 mét khối hầm biogas có thể xử lý từ 20 – 30 kg phân/ngày; theo ước tính thì trung bình lượng phân mỗi ngày heo thải ra từ 1,2 – 3 kg/con, như vậy thì 1 mét khối túi, hầm biogas có thể xử lý được lượng phân của 5 đến 10 heo.
Về nguồn nước: nước đưa vào hầm, túi biogas phải là những loại nước không bị nhiễm phèn, mặn, không có chất sát trùng như xà phồng, thuốc sát trùng, kháng sinh,… vì chúng sẽ tiêu diệt các vi khuẩn làm ngưng quá trình phân hủy phân, làm khí sản sinh ra ít hoặc có thể không có khí.
Về nguyên liệu nạp vào: nguyên tắc là tất cả các loại phân đều có thể làm biogas, trong đó phân heo được sử dụng phổ biến nhất, kế đến là phân trâu bò và phân gà; trong giai đoạn đầu nếu ủ bằng phân gà thì nên hỗn hợp nhiều loại phân để kích thích quá trình sinh gas nhanh hơn, sau đó sẽ tiếp tục sử dụng loại phân sẳn có.
Ngoài ra, có thể thêm một ít bèo, lục bình băm nhỏ sẽ giúp tạo gas tốt hơn. Phân, chất thải sinh hoạt gia đình cũng có thể đưa vào túi, hầm ủ để vừa xử lý chất thải, khử mùi hôi. Vì vậy, nếu có thể làm nhà vệ sinh có đường thoát chất thải vào hệ thống xử lý biogas thì rất tốt. Cần lưu ý tránh đưa những vật liệu như cát, đá, bao ni-lông, các loại lông vật nuôi,…rơi vào hầm ủ, túi ủ vì các loại vật liệu này sẽ ngăn cản quá trình sinh khí.
Về vị trí lắp đặt: Không nên lắp đặt quá xa chuồng trại, nhà để có thể tiết kiệm các đường ống dẫn. Tránh nơi có những loại cây lâu năm vì chúng dễ gây hư hỏng công trình khí sinh học. Vị trí công trình lắp đặt phải đảm bảo có ánh nắng chiếu vào vì ánh nắng sẽ giúp cho vi khuẩn hoạt động tốt giúp quá trình sinh khí tốt hơn. Đối với túi nhựa thì nên chọn những nơi có ánh nắng ở mức độ tương đối vừa phải vì nếu ánh nắng chiếu quá nhiều thì dễ làm hư hỏng túi nhựa. Nên chọn vị trí có chân đất ổn định, xa ao hồ, tránh chọn vùng đất mà trước đây là ao, hồ, dễ sạt lỡ gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bãi viết!
Xem thêm: